Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, có chiều dài 8km, nơi rộng nhất là 2km, diện tích mặt nước khoảng 500ha, độ sâu trung bình 20m, có những nơi sâu đến 35m, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động nuôi thủy sản tại hồ Ba Bể những năm gần đây đã có bước phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Trong 8 tháng năm 2024, diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện Ba Bể đạt gần 127ha, tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 269 tấn. Sản lượng thuỷ sản trên đã đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn huyện, trong đó có một phần được khai thác tại hồ Ba Bể.
Dịp này, các đại biểu đã tiến hành thả hơn 100kg cá chép xuống hồ Ba Bể. Đồng thời yêu cầu các đoàn thể và Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chấp hành nghiêm các quy định về cấm khai thác thủy sản trái phép bằng các ngư cụ như: Xung điện, kích điện, không khai thác trong mùa cá sinh sản.
Nhận thấy trong những năm qua, nguồn lợi thủy sản tại các sông, suối và hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có sự suy giảm, nhiều loài cá quý hiếm, cá bản địa có nguy cơ bị tuyệt chủng, phá vỡ sự cân bằng sinh thái thuỷ sinh. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng khai thác quá mức, nhiều ngư cụ có tính chất hủy diệt, kích cỡ khai thác cá ngày càng nhỏ; công tác bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.
Trước thực trạng đó, bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang là nhiệm vụ cấp thiết cần tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân; sáng ngày 14/8, tại hồ Khuổi Khe, xã Kim Lư, huyện Na Rì, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND huyện Na Rì tổ chức Lễ tuyên truyền, thả bổ sung cá giống nhằm mục đích tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Hồ Khuổi Khe là hồ thủy lợi được xây dựng năm 2007, diện tích mặt nước 32ha, có chiều dài trên 8km, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu đồng ruộng cho người dân. Tại buổi lễ, Lãnh đạo Sở cùng chính quyền địa phương và người dân đã tham gia thả 13.300 con, trong đó Cá Mè 04 nghìn con; cá Trôi 3.500 con; cá Trắm cỏ 1.300 con và cá Chép 4.500 con. Các loại cá giống được lựa chọn đồng đều, sạch bệnh, đồng thời ngành nông nghiệp đã hướng dẫn kỹ thuật thả để cá không bị sốc nhiệt, tỷ lệ sống cao.
Việc thả cá phóng sinh góp phần bổ sung quần đàn, tạo sự cân bằng về nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Đồng thời có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân giữ gìn bảo vệ và phát triển nguồn lợi tự nhiên; giúp cho các hộ dân sinh sống ở ven hồ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Thông qua hoạt động lần này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vi Thị Thúy, hy vọng các cơ quan Ban ngành, địa phương, mọi người dân đều phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, cân bằng hệ sinh thái, phát triển thủy sản bền vững. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, cộng đồng; các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền đến mọi người không khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai thác thủy sản bằng các nghề hủy diệt, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Cũng trong chương trình, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tổ chức ký cam kết bảo vệ đàn cá giống và trồng gơn 60 cây hoa Phong Linh ngay cạnh bờ hồ.
Thanh Thủy